NSGN - Đức Phật dạy chúng ta nên quán niệm về cái chết. Chết là một trong mười đề mục quán niệm (thập niệm). Quán niệm cái chết để dừng lại những tham muốn, dục vọng, xả bỏ tâm thù hận oán hờn, dứt trừ lòng kiêu căng tự phụ… Quán niệm cái chết để biết tận dụng đời sống của mình tinh tấn tu hành làm lợi ích cho mình và tất cả chúng sanh.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương có thuật chuyện Đức Phật hỏi các thầy Tỷ kheo:
- Đời người sống bao lâu?
Một thầy đáp:
- Trong vài ngày.
Đức Phật lắc đầu bảo:
- Ông chưa hiểu đạo.
Một vị khác nói:
- Trong khoảng một bữa ăn.
Đức Phật cũng lắc đầu bảo:
- Ông chưa hiểu đạo.
Một vị khác nói:
- Đời người trong hơi thở.
Đức Phật khen vị ấy rằng:
- Hay thay, ông mới là người hiểu đạo.
Thế gian thường bảo đời người trăm tuổi, nhưng thử hỏi mấy người sống đến trăm năm? Đỗ Phủ nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Người sống đến bảy mươi xưa nay hiếm). Y Vân bảo đời người sống được sáu mươi năm (Em ơi có bao lâu, sáu mươi năm cuộc đời). Cổ nhân nói: “Sơn trung tự hữu thiên niên thụ, thế thương nan phùng bách tuế nhân” (Trong núi có cây sống ngàn năm, trên đời khó gặp người trăm tuổi).
Có lẽ vì đa phần thế gian cho rằng đời người dài lâu, một trăm năm hoặc chí ít cũng mấy mươi năm, cho nên tạo dựng cơ đồ, tích chứa của cải bạc tiền để hưởng thụ trong hiện tại và tương lai. Nhưng Đức Phật nói đời người chỉ trong hơi thở, ai hiểu được điều này là người đó thấy đạo, đạo ở đây là chân lý, là sự thật về đời người.
Đức Phật bảo đời người mong manh ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn trong một hơi thở, thở vào mà không thở ra hoặc thở ra mà không thở vào là đời người kết thúc, ai biết chắc mình sống được bao lâu? Tai nạn, bệnh tật, những bất trắc luôn rình rập đe doạ mạng sống con người, cái chết có thể đến với chúng ta muốn hay không muốn. Khi cái chết đến, chúng ta không thể hạn lại ngày giờ, chúng ta không thể dùng tiền bạc của cải để mua chuộc, đánh đổi mạng sống, không thể dùng quyền lực để giữ sinh mạng, dùng tình cảm để níu kéo sự sống, chúng ta cũng không thể chạy trốn, né tránh cái chết dù chúng ta có không ngoan, tài giỏi đến đâu.
Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ có kể câu chuyện bốn anh em dòng họ Phạm chí chạy trốn cái chết như sau:
Có bốn anh em dòng họ Phạm chí tu tập chứng đắc được Ngũ thông, mắt họ có thể thấy và tai họ có thể nghe xa vạn dặm, họ có thể đoán biết quá khứ vị lai, có thể đọc được suy nghĩ của người khác, họ đi trong nước, bay trên không như đi trên đất… Nhờ có thần thông mà họ biết trước ngày giờ chết của mình. Sắp đến ngày mạng chung, bốn anh em Phạm chí họp lại bàn cách chạy trốn cái chết, họ nói với nhau:
- Cái chết đến, người khác khó tránh, nhưng bọn chúng ta có đại thần thông, nhất định sẽ tránh được. Bây giờ chúng ta hãy chia nhau chạy trốn.
Bàn tính xong, một người dùng thần thông bay lên không trung, một người dùng thần thông lặn xuống đáy biển, một người ẩn mình trong núi lớn, người còn lại trà trộn vào đám đông giữa chợ, họ định bụng chờ qua khỏi ngày đó thì trở về.
Đến ngày chết, người trốn lên không trung tự dưng rơi xuống đất chết, người trốn dưới biển sâu cũng mất hết thần thông mà chết nổi lên, còn người ẩn mình trong núi và người trốn giữa đám đông cũng lăn ra chết.
Mọi người biết chuyện đó đều không khỏi kinh hoàng và hiểu rằng không có cách gì ngăn chặn được sự vô thưởng, không có cách gì làm thay đổi quy luật sinh, già, bệnh, chết.
Thật ngây thơ, nông cạn khi cười cợt cái chết, nghĩ rằng mình khoẻ mạnh, sống lâu, giàu sang, quyền thế, thông minh, tài trí… mà quên rằng mọi thứ luôn biến đổi vô thưởng. Khi cái chết đến mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.
Ai cũng sẽ phải chết và không biết chết lúc nào. Vì thế, sống sao cho thật ý nghĩa, không lãng phí đời sống mới là việc cần làm hơn là ngồi chờ cái chết đến, đánh mất thời gian, công sức vì những việc vô ích không đâu. Có nên đầu tư tất cả tâm trí vào những tính toán hơn thiệt, tranh chấp hơn thua? Có nên nuôi dưỡng trong lòng những mưu đồ, tham vọng bất chính? Có nên ôm giữ những thù hận oán hờn? Thật không nên, bởi như thế là lãng phí đời sống, quên bỏ hạnh phúc trong hiện tại, làm như thế là đem phiền não khổ đau như lo lắng, muộn phiền, đố kỵ, oán ghét, hận thù … sẽ làm cho cuộc đời chúng ta mất an vui và hạnh phúc. Khi cái chết gần kề, người ta mới thấy rằng bao nhiêu ân oán tình thù, những điều mà từ lâu ta luôn canh cánh trong lòng đều như sương khói. Có một câu nói rất hay: “Đời người như một cuốn sách, điều quan trọng không phải là cuốn sách dài hay ngắn mà ở chỗ cuốn sách đó hay hay dở”. Vì thế, hãy sống tích cực, sống trọn vẹn với thời gian, với những gì đang có, sống thật vui vẻ, có ý nghĩa và hữu ích. Hãy nỗ lực làm những gì có ích cho mình và mọi người, phục vụ và cống hiến, để đời sống dù có mong manh, ngắn ngủi cũng trở nên có ý nghĩa và giá trị.
Đức Phật dạy chúng ta nên quán niệm về cái chết. Chết là một trong mười đề mục quán niệm (thập niệm). Quán niệm cái chết để dừng lại những tham muốn, dục vọng, xả bỏ tâm thù hận oán hờn, dứt trừ lòng kiêu căng tự phụ… Quán niệm cái chết để biết tận dụng đời sống của mình tinh tấn tu hành làm lợi ích cho mình và tất cả chúng sanh. “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có vui chi. Mọi người cần phải tinh tấn như cứu lửa chạy đầu, luôn nhớ nghĩ lẽ vô thường, chớ nên chậm trễ biếng nhác” (Thị nhất dĩ quá, mạng diệc tuỳ giảm, như thiểu thuỷ ngư, tư hữu hà lạc? Đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật), đó là lời kệ nhắc nhở mà người đệ tử Phật đọc tụng mỗi ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét